Biến Chất - Chương 3
Nghĩ đến chuyện học hành nó lại đột nhiên cảm thấy chán ngán, lớp hai rồi mà lực học của nó chẳng tiến triển gì. Cô giáo chỉ khen nó viết chữ đẹp nhưng tốc độ lại rất chậm. Toán học thì khỏi phải nói, đề bài một đường thì nó chép lại một nẻo nên lúc nào cũng bốn đến năm điểm.
Đã vậy đến lớp còn thường trêu bạn bè, đánh nhau, ngủ gật, nói chuyện…
Hai bác nhìn nó ngao ngán.
“Sao thằng Nhân được chín điểm và Hạ được năm điểm thế? Hạ học không hiểu à?”
Không phải không hiểu, mà là không nhìn rõ nên cô nói gì trên bục giảng căn bản là nó không hiểu. Nhưng nói ra thì có ích lợi gì chứ. Nó có bị gì thì cũng chẳng sao cả, đúng vậy, nó còn từng bị đánh thê thảm, như thế còn không sao nữa mà.
Bác gái ngồi phía sau lưng nó chẳng biết nghĩ gì mà hơi suy tư, đến khi con bé “a” một tiếng, bác liền giật mình, thì ra vừa nãy bác chải tóc cho nó hơi mạnh.
Bác bối rối giây lát, cột tóc hai bên cho nó, bác nhận ra con bé càng lớn càng xinh, giống hệt mẹ của nó.
Nghĩ đến mẹ nó thì bác lại thở dài.
Con bé không biết vì sao bác thở dài, chưa kịp thắc mắc thì đã nghe tiếng chó sủa ở trước cổng nhà. Nó đưa mắt nhìn ra thì thấy một dáng hình béo ục ịch của bác Phương quen thuộc ở gần nhà. Con bé ghét bỏ quay mặt đi không thèm nhìn. Mỗi lần bác Phương qua chơi đều chê nó xấu xí, nó nghĩ thầm bác ta mới xấu xí.
Nó ghét bác ta nên nó không chào.
“A con Hạ, không có miệng à, không biết chào người lớn hả?” Bác Phương nhăn cái mặt đầy vết chân chim, cao giọng chất vấn nó.
“Cháu chào bác Phương.” Nó cố nặn ra một nụ cười còn khó coi hơn cả khóc, mẹ cái bà này mỗi lần qua đây là mồm đi trước mới thấy xác.
“Hừ, cái mặt đã xấu xí đến tính nết cũng xấu xí.” Bác Phương ngồi xuống ghế cầm cốc nước bị ố vàng vì nước chè xanh đọng lại, con bé thấy bác ta cũng không thèm tráng qua nước mà cứ thế uống luôn, trong lòng thầm buồn nôn.
Bác gái nó đi tới ngồi cạnh, nhẹ nhàng hỏi: “Sao? Không bán được hàng nên về sớm đấy à?”
“Đâu mà không bán được hàng.” Bác Phương chẳng biết là vừa ăn cái gì mà cầm que tăm rồi nhe răng ra xỉa xỉa, “Nhập hết rồi, nay có một mối ở Hà Nội cũng khá.”
“Cam nay xuống giá, rẻ vậy mà cũng nhập sao? Lỗ chết.” Bác gái nó chíu chân mày.
Con bé không chịu ngồi yên một mình, nó chạy đến bên cạnh bác gái, cầm tay bác chơi chơi.
“Lỗ cũng phải cố, chứ bây giờ trong nhà đủ thứ chuyện…”
“Ông Lam nhà tôi hôm qua mới nhận một bộ bàn ghế, chắc vẫn ổn hơn nhà bà nhiều.” Bác gái cười dịu dàng, con bé thấy bác mỗi lúc cười trông hiền như đức Mẹ.
“Bao nhiêu? Nhà nào đặt thế?” Bác Phương quay qua hỏi ngay.
“Nhà ông Tư.”
“À.” Bác Phương nói rồi im bặt.
Dạo này con bé để ý thấy bác gái thở dài rất nhiều, nó không hiểu nhưng cũng không dám hỏi.
Con bé vốn là thế, mọi chuyện nó đều giữ kín trong lòng, nó không đặt ra những câu hỏi, cũng không muốn nghĩ ngợi gì, nó chỉ muốn tươi cười và tận hưởng khoảng thời gian ở bên hai bác và anh Nam. Bởi vì nó không chắc chắn được rằng, sau này về ở bên cạnh ba, nó còn có thể vui vẻ như vậy nữa hay không.
Nó không ghét ba, nó vẫn nhớ ba, nhưng nó cũng sợ ba…
“Tao là tao ghét con bé này nhất trong mấy đứa con nít ở đây!” Bác Phương lại nhìn nó bằng ánh mắt ghét bỏ, nó lại chẳng hiểu mô tê gì, bác ghét nó, chắc nó thích bác sao?
Bác đưa ngón trỏ dúi vào trán con bé một cái khiến con bé ngửa đầu ra sau, nó nhăn mặt khó chịu nhưng vẫn không nói lời nào.
“Cái môi lúc nào cũng dẩu ra, nhọn nhọn như mỏ gà vậy.” Bác Phượng nói một cách ghét bỏ, “Ơ còn lườm kìa! Sao mày chẳng giống mẹ mày chút nào vậy?”
Đúng là cái mồm chẳng biết giữ gìn, giống như mấy con gà ngoài chuồng bạ đâu ỉa đấy.
Bác gái cười cười với nhó, nhìn nó bằng ánh mắt thương xót.
“Mẹ nó hiền khô, lại đẹp, mỗi cái… có hơi dại dột…”
Nó ngẩn ngơ nhìn bác, rất lâu rồi không một ai nhắc đến mẹ nó, con bé không nói gì, chỉ giả vờ như một đứa trẻ ngây ngô chẳng biết lo nghĩ, chỉ biết mở to mắt nhìn hai người nói chuyện. Trong lòng lại thầm tò mò nghe ngóng.
“Chậc, mẹ nó đẹp mười thì nó chỉ có tám, da thì lúc nào cũng nhợt nhạt như đứa chết trôi. Chà, nghĩ đến hồi con Mai còn sống vẫn thường qua cho ông bà nhà tôi cau trầu mà nhớ…” Bác Phương thôi không nhìn nó nữa, bác đưa mắt nhìn ra phía cổng.
“Con Mai nó hiền mà dại dột lắm…” Bác gái nó cười khổ, cứ nhắc đi nhắc lại câu này. Con bé thấy khó chịu, có dại dột thì cũng còn sống nữa đâu, mẹ củ nó nằm dưới đất rồi mà vẫn thỉnh thoảng bị lôi đầu dậy với cái mác “dại dột”. Thật nực cười!
“Sao mà nó lại chết được nhỉ?” Bác Phượng quay đầu hỏi bác gái nó.
Nó vẫn nghe, từng câu từng chữ nó đều nghe, đều ghi nhớ.
“Vốn là chuyện cũng chẳng có gì…” Bác gái nhìn nó hiền từ, có vẻ con bé đang dại lắm, có lẽ kể ra cũng không sao, “Nó bị lừa, nó nghe lời người ta đồn rằng thằng Tân Hợi có con riêng với người khác…”
“Ôi chao…” Bác Phương bật thốt, “Con Mai nó tin sao, này cũng thật… hay là…”
“Không.” Bác gái cắt ngang, “Thằng Tân nào có, mặc dù là thằng Tân đào hoa, nhưng… nó không để xảy ra chuyện có con ngoài đâu…”
“Thế tại sao…” Bác Phương hơi nhỏ giọng.
“Hôm ấy đi làm về, thằng Tân thấy con Hạ nằm trong nôi khóc to mà không thấy mẹ nó đâu…” Bác gái nó không dám nhìn vào mắt nó nữa, bác quay sang nhìn bác Phương, “Xuống bờ ao thì thấy… thì thấy… con Mai đã treo cổ tự vẫn rồi.”
Bác Phương hơi nghẹn lại, bác ta vẫn biết chuyện mẹ nó là tự vẫn, nhưng nghe ngọn nguồn câu chuyện, bác lại thấy trong ngực hơi khó thở. Cùng là phận đàn bà, mà tại sao vẫn có những người chịu khổ từ khi sinh ra cho đến cuối đời?
Mẹ nó lấy ba nó vào năm hai mươi tuổi, hưởng dương hai mươi mốt tuổi.
Con bé không rõ cảm xúc là gì, thật sự nó không rõ nó có cảm thấy đau đớn hay không. Có lẽ lúc ấy nó không hiểu gì thật, bây giờ những câu những chữ được bác nó kể ra nhẹ nhàng như vậy nó lại thấy vô cùng dửng dưng.
Nó không cảm nhận được một cảm xúc khác lạ nào của bản thân. Không đau buồn, không nhớ nhung, không gì cả… Có lẽ người kể không phải là ba nó, ba nó không bao giờ nhắc về mẹ với nó, vậy mà bác Hòa có thể nói ra dễ dàng với một người hàng xóm không thân thiết.
“Nó có thường hỏi về mẹ nó không?” Bác Phương hỏi.
“Hỏi, mà có biết gì đâu…” Bác gái xếp lại cốc chén trên bàn.
“Chắc rồi, nó thì biết cái gì được.” Bác Phương lại lườm nó.
Tôi có ăn của cải gì của nhà bác không, khốn nạn.
Bác Phương ngồi thao thao bất tuyệt khoảng hai mươi phút sau mới về, con bé chợt cảm thấy không khí trong lành hẳn. Con gà mái già này cuối cùng cũng cảm thấy ở đây không đủ thóc để ăn, hiển nhiên rồi, ai mà thừa thóc cho bác ta mổ. Bích Hạ thầm mong bác ta về tự mổ thóc nhà mình cho toét cái mỏ ra.
“Bích Hạ, rửa tay rồi vào ăn cơm.” Bác gái từ dưới bếp gọi vọng lên.
“Dạ.” Con bé vội thả mấy khối gỗ trong tay, chạy xuống giếng ngồi rửa tay.
“Quét nhà rồi trải chiếu đi bé.” Anh Nam lúi húi ngồi cời lửa trong bếp nói.
Con bé chạy vào buồng rồi cầm ra cái chổi đót rồi quét luôn từ trong buồng ra phòng khách. Quét dọn xong xuôi nó mới trèo lên lấy chiếu thường ngồi ăn cơm mà anh Nam phơi trên đống gỗ của bác Lam.
“Anh Nam ơi, cao quá em không lấy được.” Con bé hét lên.
“Đồ lùn.” Anh Nam chẳng biết đã đứng sau lưng nó từ bao giờ, anh vươn tay một cái liền lấy được chiếu một cách dễ dàng.
“Hứ!” Con bé bĩu môi, “Rồi em sẽ cao hơn anh!”
“Ối chà, vênh váo thế!” Anh Nam cốc đầu nó, “Em cao ba mét bẻ đôi là cùng, cái bắp chân như ống điếu kia không cao nên nổi mét sáu mươi đâu.”
Con bé không phục, chạy lẽo đẽo sau lưng anh đánh gió.
“Đừng có trêu em. Mau dọn đồ ăn lên!” Bác Lam đang tắm bên miệng giếng, hét lên.
“Thấy chưa! Lêu lêu anh Nam bị mắng!”
“Muốn đánh hả?” Anh Nam vừa tức vừa buồn cười.
“Anh đánh đi!” Con bé đưa mặt ra thách thức, “Em mách với bác Hòa.”
“Đắc ý gớm nhỉ?” Anh Nam bưng mâm đồ ăn lên.
“Ôi! Hôm nay có dưa chuột chấm ruốc!” Con bé reo lên, quên luôn vừa mới nãy nó đã nói gì với anh nó.
“Không cho ăn đâu! Đồ học dốt!” Anh Nam lạnh lùng cắt ngang niềm vui nhỏ nhoi.
Nghe vậy con bé cứ tưởng là thật, mặt xụ xuống.
Từ đầu bữa ăn tới giờ nó cứ thấy anh Nam ngồi vừa ăn vừa cười, chẳng hiểu sao nó cứ ghét cái thái độ này của anh.
“Thằng khỉ này, không ăn mà cười cái gì?” Bác Hòa nhíu mày nói, tiện tay gắp một miếng cá vào bắt con bé.
Con bé và trong miệng một miếng lớn. Không hiểu sao lúc ở nhà mỗi bữa ăn nó chỉ ăn được nửa chén mà ở đây nó có thể ăn được ba chén cơm liền.
“Mẹ đọc bài văn con bé tả anh trai nó chưa?” Anh Nam vừa nén cười vừa nhìn lén nó.
Tay con bé run lên. Nhắc đến bài văn tả anh trai con bé đột nhiên ăn cơm không mấy tự nhiên, bài văn ấy điểm kém cực kì. Anh Nam buông bát chạy vào buồng lục lọi một hồi, lát sau trên tay anh cầm một tờ giấy. Con bé âm thầm sợ hãi, thôi xong.
Anh Nam hắng giọng một cái, bắt đầu nghiêm túc đọc: “Anh trai em tên là Nam, anh em năm nay mười tám tuổi, học lớp mười bốn…”
Đọc đến đây anh cười đến sặc sụa. Bác Hòa và bác Lam cũng cười.
“Anh nói này bé…” anh Nam vỗ vai nó, cười đến hai vai run lên, “Còn có lớp mười bốn nữa hả?”
“Lúc trước mày chả nói với nó mày học lớp mười bốn còn gì?” Bác Hòa nén cười, nhưng mà cũng không phải là lỗi tại con bé thật.
“Ơ…” Anh Nam ngớ ra, “Con nói thế mà cũng tin được?”
Con bé nghiến răng tức tối mà chẳng biết trút giận vào đâu.
Chẳng hiểu sao con bé đã gây ra tội nghiệt gì mà ông trời luôn trừng phạt nó đúng lúc như vậy. Vừa hay thời sự lại chiếu cảnh làng quê nghèo, trong đó còn nhắc đến những trẻ em nghèo hiếu học. Con bé thầm nghĩ, đáng ghét.
“Đấy, cũng ăn cơm, cũng đi học, nhiều đứa còn không được đi học mà sao nó học giỏi thế cơ chứ. Đâu như con Hạ nhà mình…” Bác Lam lắc lắc đầu cảm thán.
Ánh mắt vốn trong sáng của nó chợt tối đi.
…
Hôm ấy là ngày thứ bảy nên con bé được nghỉ học, nhưng đau đầu nhất là bác Hòa cứ bắt nó làm bài tập mà bác tự nghĩ ra. Toàn là phép toán cộng trừ nhân chia khiến nó đau đầu. Nhưng lần nào nó cũng làm rất nhanh và đúng hết. Các bác trêu nó, đấy là làm khoán cho nhanh để được đi chơi đây mà.
“Nhanh vậy? Làm sai là phải làm tiếp đấy.” Bác Hòa kinh ngạc cầm cuốn bài tập.
Sau đó thì nó đã được đi chơi, con bé cảm thấy toán học cũng không khó lắm, chỉ là không hiểu sao mỗi lần nhìn lên bảng đen mà cô giáo viết nó đều không thể nhìn thấy rõ. Tính cách nó vốn không thích nói nhiều, nên nó không hề nói ra cho ai biết, nó nghĩ chắc ai cũng vậy nên cảm thấy chuyện này không quan trọng.
Chiều hôm ấy nó liền chạy sang nhà thằng Nhân chơi, thằng nhóc này học còn dốt hơn cả nó. Nó đột nhiên cảm thấy tự hào khi thấy có đứa còn học dốt hơn. Nhưng thật sự khi chơi với thằng nhóc ấy rất vui. Hai đứa còn thường xuyên chơi trò vợ chồng, bày sạp nấu ăn, còn chơi cả trò làm mẹ.
Con bé cảm thấy thú vị.
Nhưng nó lại sợ thằng em trai của thằng Nhân, thằng đó đáng ghét cực kì. Nhóc đó thấy vui thì sẽ chịu chơi cùng hai đứa, nhưng khi tức giận sẽ cầm gậy rượt cả hai đứa chạy lòng vòng.
“Ủa? Cái thùng gì thế kia?” Con bé tò mò nhìn mấy cái thùng gỗ đứng ở sâu trong vườn nhà thằng Nhân.
Thằng nhóc nhìn theo hướng con bé chỉ, đáp: “Thùng ong đấy, bố tớ dặn đừng qua đó, ong sẽ chích.”
“Có đau không?”
“Không biết, bố nói rất đau, có khi sưng cả tuần.”
“Nhiều ong thế? Mà ong ăn gì?”
“Ong hút mật mà, đây, qua đây tớ cho xem cái này.” Thằng nhóc chạy đến trước sân.
Con bé chạy theo, thấy Nhân đứng trước một cái giàn cao cao, hình như còn giăng tấm bạt để phơi những cái hạt gì đó nho nhỏ.
“Biết đây là cái gì không?” Thằng nhóc bốc một nắm thả vào lòng bàn tay con bé.
“Cốm hả? Ba tớ cũng mua cho tớ ăn nè.” Con bé thấy những hạt hình thì không rõ ràng, đủ mọi màu sắc, giống những hạt cốm dinh dưỡng mà lúc trước ba thường mua.
“Không phải cốm đâu.” Thằng nhóc lắc đầu, “Đây là hạt phấn. Ăn thử đi, ngọt lắm.”
Con bé cũng không nghi ngờ gì, nó bỏ vài hạt vào miệng, nhấm nháp thấy đúng là có vị ngọt thật, nhưng nó không gây cảm giác thèm ăn như kẹo hay cốm, còn có vị lợm lợm.
“Không ngon như cốm.” Con bé nhăn mày, “Nhưng đúng là ngọt thật.”
Hai đứa cùng chơi vui vẻ phía sau vườn, thằng Nhân sau đó còn phải nhóm rác đốt rác nên sẵn tiện hai đứa chơi nấu ăn luôn.
Con bé ngắt những bông hoa đồng tiền xuống giả vờ như đáng gói bánh, cuốn trong những cái lá bưởi rồi nướng lên như thể đây thật sự là một gia đình.
“A! Hạ đến chơi à!” Nó nghe tiếng mẹ của thằng Nhân vang lên, ngó lên thì thấy bác Bình còn đang phơi đồ, bác gọi, “Hạ ơi!”
“Dạ?” Con bé đáp.
“Hạ có yêu Nhân không? Sau này làm con dâu nhà bác nhé?”
Con bé hiểu con dâu là gì, yêu là gì, nhưng nó không hề tưởng tượng được nôm na như cái cảnh hai đứa đang chơi trò vợ chồng sau này sẽ trở thành sự thật. Nghĩ đến đây con bé bỗng thấy chán nản khi chơi trò này với thằng Nhân.
Thằng Nhân thì mặt đỏ tía tai, hét lên: “Mẹ đừng nói nữa!”
“Trời ơi thằng Nhân nhà mình còn biết ngại kìa!” Bác Bình cười to.
“…” Con bé không phải là hoàn toàn không hiểu gì.
“Đi, ra chỗ khác chơi!” Thằng nhóc bực bội kéo tay con bé chạy ra cổng.
“Hạ ơi!” Bác Bình hô to, “Trời sắp tối rồi, đừng để quên đường về rồi bác Lam nhà cháu lại cầm roi kiếm khắp nơi đấy! Thằng Nhân cũng phải đi chơi biết đường mà về nghe chưa?”
Hai đứa chẳng biết đã chạy bao xa, bác Bình cũng không nghe thấy tiếng đáp lại.