Biến Chất - Chương 6
Trường tiểu học Tây Hiếu nằm sát ngay bên cạnh trường Mầm non lúc trước nó từng học. Trường nó đang học chỉ là trường phụ, còn được gọi bằng một cái tên khác là trường Tây Hiếu B, chia thành năm khối bình thường nhưng mỗi khối một lớp. Trường chính vẫn là đẹp hơn và rộng hơn nhiều nên chia được nhiều lớp hơn, với cả học sinh học ở trường chính lúc nào cũng đông hơn.
Lúc này học sinh vẫn còn rất nhiều, tiếng la hét ồn ào xung quanh khiến tai con bé như muốn thủng màng nhĩ tới nơi.
Hôm đó vừa tan trường, con bé đứng chờ anh Nam tới đón trước cửa lớp. Nó ngồi xổm bên bậc cửa ngáp ngắn ngáp dài mấy hồi mà vẫn không thấy cái dáng người cao cao đạp chiếc xe cổ có thanh thép ngang màu đen.
Từ hôm xảy ra chuyện đến bây giờ Bích Hạ không thường thấy ông Tám qua nhà bác nó chơi, nó cũng không mong muốn ông ta đến cho nó kẹo giống ngày trước. Con bé cứ nghĩ có lẽ ông Tám cũng không dám làm thế nữa, vì đã bị nó phát hiện, nó tưởng chuyện xấu nếu bị phát hiện một lần rồi sẽ không bao giờ lặp lại lần hai.
Thế mà nó đã nhầm.
Đang đứng gật gà gật gù trên bậc cửa trước lớp, đột nhiên có một vòng tay ôm nó từ phía sau, con bé giật mình tỉnh táo lại, hóa ra mình đã nằm trọn trong lồng ngực của một người đàn ông. Nó thấp bé như vậy, người đàn ông đó phải ngồi xuống mới ôm được nó vào lòng.
Nó cứ tưởng là anh Nam.
Nhưng thoang thoảng bên mũi nó lại ngửi thấy mùi dầu gió xanh.
“Ôi bé con, đi học về muộn còn chờ ai thế này?”
Nó hốt hoảng, đúng là giọng ông Tám vang lên bên tai.
Con bé đứng đơ luôn tại chỗ, trong đầu không kịp nghĩ cái gì, sắc mặt nhợt nhạt giờ lại nhìn không ra chút huyết sắc nào.
“Hở?” Ông Tám xoa xoa chỗ nào đó trên người nó, giọng lại cực kì dịu dàng, “Ông chở cháu về nhà ăn cơm nhé?”
“Không!” Con bé thốt lên trong vô thức.
Không biết bàn tay ông sờ chỗ nào mà nó giật nảy, nó bỗng nhiên tỉnh lại, nó cảm nhận được một vật thể lạ cưng cứng cọ xát phía sau chân nó.
Nó nhận ra mọi người xung quanh không hề để ý đến người đàn ông này đang có ý đồ không tốt với nó, nhưng điều quan trọng mà nó đang nghĩ đến chính là tại sao bây giờ anh nó vẫn chưa tới?
Con bé giãy người ra khỏi vòng tay của ông Tám, rồi chửi tục một câu.
Con mẹ nhà ông!
Nhưng chỉ là chửi trong đầu thôi…
Thì ra ông Tám cũng đến đón cháu trai đi học về, nhưng nó cứ tưởng ông Tám sẽ không đến tận trường học như thế này, bởi vì chuyện đó đã có con dâu của ông lo liệu.
Con bé cứ thế cắm đầu chạy thật nhanh, sức nặng của chiếc cặp sau lưng khiến nó gặp không ít phiền toái nho nhỏ. Nhưng nó không để ý, tiếng xóc nảy của chiếc hộp bút bằng sắt trong cặp vang lên bên tai như có nhịp lại khiến nó bình tĩnh hơn ít nhiều. Con bé chạy đến một quãng mà nó cho là rất xa mới quay đầu lại nhìn.
Phụ huynh vẫn bận rộn đưa con về nhà, đám học sinh chen chúc nhau chạy tới chỗ bố mẹ nó.
Nó thở hổn hển, hai chân như muốn ngã xuống. Cảm giác buồn nôn lại trào lên khiến nó cảm thấy khó thở. Thật xui rủi, ông Tám ấy vậy mà đến đây, còn ôm nó giống như thân mật lắm. Thật ra lúc nãy nó rất muốn hét lên kêu cứu, nó muốn cho mọi người biết ông Tám thật ra là một kẻ đáng sợ, một kẻ dụ dỗ và bắt nạt con nít bằng những viên kẹo ngọt.
Cổ họng con bé khô khốc, nó mở cặp tìm chai nước nhưng lại sực nhớ đã uống hết từ lúc nào, thật ra là đám bạn của nó tranh nhau uống. Nó chán nản, lại một phần sợ hãi. Nó rùng mình, cảm giác như bàn tay của ông Tám vẫn còn đang trên cơ thể nhỏ bé của nó, tim nó cứ run rẩy không thôi.
Lát sau vẫn không thấy ông Tám theo sau mới thoáng thở phào, nó vẫn phải giữ cảnh giác trên con đường đi bộ từ trường về nhà, nhưng anh Nam đến bây giờ vẫn chẳng thấy tăm hơi. Nó bực bội, anh Nam mà đến sớm thì đã không phải gặp lão già đáng ghét đó.
“Trời trời! Sao lại đi ngơ ngơ ngẩn ngẩn thế này?”
Anh Nam mặc chiếc áo sơ mi trắng hở cúc trên cùng, anh dừng xe trước mặt nó, mặt con bé đã đỏ lên vì nắng.
Gặp được anh Nam nó như vớ được cọng rơm cứu mạng, mắt nó sáng lên nhưng miệng vẫn trách móc: “Giờ anh mới đến à? Đi chơi nhà anh Hiếu đúng không?”
Con bé vô tình chất vấn như vậy thôi, nhưng không hiểu sao anh Nam vẫn thoáng giật mình. Chưa kịp trả lời thì anh đã thấy con bé nhảy lên xe, tay ôm lấy eo anh. Anh Nam nhíu mày, móng tay con bé bấu lên áo anh đâm vào cả da thịt khiến anh cảm thấy hơi ngứa.
“Gì mà cuống lên thế? Sợ anh không đến à?” Anh Nam khẽ cười, chân đặt lên bàn đạp bắt đầu chuyển động.
“Tại anh không đến sớm, đi bộ về thế này mệt lắm.” Giọng con bé có chút giận dỗi.
“Đi bộ cho chân dài.”
“Không cần dài!”
“Xinh gái phải có chân dài mới nhiều người yêu chứ, không khéo sau này không ai dám lấy đứa vừa hay giận dỗi lại điêu ngoa đâu.”
“Anh mới điêu ngoa!”
Anh chỉ biết lắc đầu cười khổ, “Hôm nay được mấy điểm?”
Lại là câu hỏi hóc búa này, so với những câu hỏi mà cô giáo đặt ra thì câu hỏi muôn thuở này vẫn khiến nó khó trả lời nhất.
Nó ngập ngừng, trong lòng hơi hoảng hốt: “Chính tả được chín điểm…”
Anh Nam biết tỏng mà vẫn hỏi: “Toán được bao nhiêu?”
Anh cười tủm tỉm, đôi mắt anh hơi nheo lại vì nắng, hai anh em cứ thế đội đầu trần mà đi. Anh cũng không giục con bé trả lời, vốn anh cũng chỉ hỏi vui, điểm số như thế nào thật ra chẳng quan trọng cho lắm. Vậy mà con bé trả lời thật, nó lí nhí nói một con số mà anh tưởng rằng mình đã nghe lầm.
Anh hỏi lại lần nữa, con bé lại ngập ngừng một hồi nữa mới phun ra một con số: năm.
Thật ra năm điểm đối với con bé cũng đã là cố gắng rồi, thôi vậy, mắng nó chỉ làm nó càng thêm tự ti. Anh nghĩ thoáng một chút, chắc hai bác mới là người ngao ngán với nó nhất, nhưng nếu là bố nó thì sẽ có một trận đòn đang chờ nó về nhà.
“Thương con cho roi cho vọt”, câu nói thường trực trên môi của đa số người làm cha mẹ, nhưng thật sự đó là điều đúng đắn? Anh thấy sống trong roi vọt mà lớn lên, đa số những đứa trẻ đó sẽ trở nên có xu hướng bạo lực và nóng giận. Sống trong yên bình thì tính cách sẽ trầm ổn hơn. Đấy là anh nghĩ vậy, từ bé tới giờ hai bác chưa đánh anh lần nào, nhưng mỗi lần anh phạm lỗi thì bọn họ sẽ nghĩ ra đủ cách trừng phạt vừa nhẹ nhàng mà thấm lắm.
Anh biết bố con bé tính cách như thế nào, đó là người đàn ông nóng tính hơn cả bố anh, giống như một người dùng men say để nói chuyện.
Anh nghĩ, thôi vậy, nếu sau này con bé có làm sao, vẫn có anh ở đây chống đỡ. Em họ vẫn là em gái, đã ngồi chung một mâm cơm với anh chính là một người thân trong gia đình anh, huống hồ gì con bé đã ở đây được gần hai năm.
“Anh Nam…”
Đột nhiên con bé gọi.
“Sao thế?” Anh cười.
“Em không muốn về một mình.”
Anh Nam kinh ngạc, nhưng con bé cũng không nói thêm điều gì nữa.
Thời gian sau đó đột nhiên cả nhà ai nấy đều kinh ngạc, con bé bỗng đạt được nhiều điểm mười môn toán. Hai bác hỏi, thì nó cũng chỉ nói rằng cô giáo cho phép nó đứng gần bảng để chép đề bài nếu không thấy rõ. Vậy là từ khi nhìn rõ được bài giảng, nó liền học giỏi hẳn.
Cũng đã đến cuối kì hai, sắp thi cuối học kì mất rồi. Mong là con bé vẫn sẽ giữ “phong độ” cho đến phút cuối cùng.
Ai nấy đều lo lắng cho kì thi của nó, riêng nó thuộc tuýp học sinh chẳng lo lắng gì. Nó không phải nước đến chân mới rút, cũng không phải học sinh cày ngày cày đêm để làm bài. Nó hầu như chẳng quan tâm gì, nó cứ thế ăn chơi ngủ nghỉ như thường ngày, kì thi đến thì nó chiến đấu hết mình là được. Nó không tự tin, cũng chẳng tự ti, cái gì đến nó sẽ tiếp nhận lấy rồi từ từ hoàn thành và cố gắng chấp nhận cái mới.
Bích Hạ không phải là một đứa trẻ hoạt bát cho lắm, nhưng cũng không phải là đứa trầm tĩnh, con bé cũng khá dễ thân thiện với bạn học. Nhiều khi nó trêu bạn cho vui, lại hơi quá đà, khiến chúng bạn tức giận rồi mách với cô, con bé không để bụng cho lắm. Hôm nay mách cô, ngày mai không có nó lại thấy nhớ nó, muốn được nó trêu cũng khó, vì nó đã bị chuyển chỗ.
Lần này nó chuyển chỗ ngồi bên cạnh bạn Hoàng, chính là lớp trưởng từ lớp một đến bây giờ. Nó tự hỏi, tại sao không phải ngồi với ai mà là ngồi cùng thằng nhóc khôn lỏi này. Nó không ghét lớp trưởng, nhưng cũng không ưa thằng nhóc đó lắm.
Thà ngồi gần bạn Nhân có phải hơn không? Nó âm thầm tức tối.
Thằng Nhân hơi cao so với bạn bè trong lớp nên thằng nhóc được cô giáo xếp cho ngồi cuối lớp, buồn hơn nữa là ngồi một mình. Con bé cũng muốn ngồi với thằng Nhân, nhưng chỗ gần thằng lớp trưởng lại rất gần bảng, nhìn khá rõ.
Thôi thì ngồi học phải nên ngồi gần bảng, còn về nhà thì chơi với thằng Nhân suốt, đâu sợ không nói chuyện được nhiều. Nó âm thầm nghĩ thoáng như vậy, cuối cùng cũng yên lặng chấp nhận chỗ ngồi mới.
Sáng sớm hôm đó con bé mới đến đã thấy cặp bạn Hoàng ở chõ ngồi, con bé vẫn không thể tin rằng nó ngồi cùng lớp trưởng. Rồi sẽ có gì vui vẻ đây? Nó mà chọc phải sợi giây nào đó của bạn học lớp trưởng chắc nó sẽ không được toàn mạng trở về nhà. Đột nhiên nó hồi hộp như khi làm quen được với bạn mới.
Vừa thả cặp xuống con bé đã bị bạn Hiền lôi đi làm trực nhật. Con bé uể oải nghĩ, tuổi chúng em là tuổi ăn chơi học hành, sao phải làm như thế này? Sao phải làm như thế này?
Tiếng trống vào học vang lên cũng chính là lúc nó làm vệ sinh xong, vừa vào chỗ ngồi đã thấy một ánh nhìn lành lạnh từ người bên cạnh. Ngẩng đầu lên lại thấy bạn Hoàng đang lạnh lùng nhìn nó. Con bé không hiểu gì, nhưng nó cũng lạnh lùng nhìn lại.
Bạn Hoàng lôi từ trong cặp ra một cây thước nhựa dài ba mươi xăng – ti – mét, con bé giật mình, thằng này muốn đánh người à? Nó đã làm gì nên tội đâu.
Thấy ánh mắt hơi đổi của con bé, bạn Hoàng cười hả hê.
Tưởng thằng nhóc dùng thước có ý định đánh người, hóa ra lại thấy thằng nhóc đặt cây thước giữa bàn, chia đôi khoảng cách của hai đứa.
“Không được vượt qua ranh giới nghe rõ chưa? Cái gì vào địa bàn của tớ thì sẽ là của tớ, hiểu không?”
“…” Con bé đờ người, lại còn chia khoảng cách như vậy nữa à?
Phiền phức thật, con bé thầm nghĩ.
“Hiểu không hả?” Thấy nó không trả lời, bạn học Hoàng liền tức tối.
“Biết rồi!” Con bé đáp lấy lệ, nó thì sao cũng được, miễn là bạn lớp trưởng sẽ không tìm cách khiến nó phạm lỗi thì nó cũng tôn trọng điều lệ chia đôi lãnh thổ như trên.
“Đừng có lớn tiếng, tui sẽ không để cậu yên đây đấy.” Thằng nhóc còn chuyển từ xưng “tớ” thành xưng “tui” luôn kìa.
“Ở đó mà chờ, thằng hâm.” Con bé không liếc mắt nhìn bạn Hoàng nữa, nó lẳng lặng lấy sách vở ra bàn chuẩn bị cho môn toán đầu tiên.
“Đấm cho bây giờ, nói ai hâm đấy!” Bạn Hoàng ra vẻ hăm dọa.
“…” Nó quay đầu nhìn thẳng vào mắt thằng bé, chỉ nhìn vậy rồi im lặng.
“…”
“…”
Hai đứa quay mặt đi, tự nhủ không bao giờ muốn nhìn mặt đối phương nữa.
Hôm đó tan học nó không chờ anh Nam đến đón như mọi ngày nữa, hai bác bảo từ nay về sau nó nên đi bộ về dần, rồi bố thằng Nhân sẽ mang xe máy đến đón hai đứa, gặp ở đâu thì đưa về luôn, còn chờ không thấy ai đến đón thì cứ vậy mà đi bộ. Người lớn hai nhà đều nói đi bộ để khỏe cho chân.
Còn nó chỉ thấy mệt và sợ chó chứ chẳng thấy khỏe khoắn gì.
Lí do vẫn chỉ là từ mấy con chó. Có những con to tướng xích ngay ở cổng nhà, mọi người đi qua đều không sao, riêng nó chỉ cần thấp thoáng từ xa thôi là con chó đã nhảy lên sủa ầm ĩ. Bác chủ nhà còn nói, cháu cứ đi qua đi, nó không cắn đâu.
Không cắn đâu mà sao phải nhìn nó bằng ánh mắt thèm rỏ dãi như vậy, miệng còn nhe răng gầm gừ như vậy? Con bé nghĩ bụng, thầm tức tối. Con chó ấy chắc phải ngứa mắt nó lâu lắm rồi, nếu không may dây xích có bị lỏng đi một chút, chỉ sợ đôi chân nhỏ bé này của nó chạy không nổi.
Hôm nay vậy mà thằng Nhân không đợi nó, con bé nghĩ mà thấy buồn. Thằng Nhân cùng với đám thằng Hiếu thằng Nghĩa đều đã đi trước một đoạn khá xa, con bé đi phía sau vẫn thấy bóng dáng bọn chúng nhưng không dám nhập cuộc. Nó tự hỏi, có phải thằng Nhân giận gì nó không?
Đang ủ rũ đi một mình thì đột nhiên nó nghe thấy có người gọi.
“Ê.”
Con bé liền quay đầu, đã không thấy thì thôi, chứ lỡ quay đầu rồi thì nó cũng đành phải nén xuống sự kinh ngạc, bạn học Hoàng cũng đi bộ phía sau lưng nó.
Con bé đứng đờ cả người, nó nghe tiếng lớp trưởng gọi nhưng nó không trả lời, đầu óc nó đang tìm ra một lí do để từ chối khéo nếu như bạn Hoàng có ý định rủ nó về nhà.
“Con điên.” Bạn Hoàng thấy nó cứ đờ ra, đến bên cạnh nó chửi một câu.
“Cha mày!” Con bé mấp máy môi.
“Gì cơ?” Bạn Hoàng nghe không rõ, dừng chân quay đầu hỏi nó.
Con bé vênh mặt lên, đi tới lướt qua nó, bỏ lại một câu: “Điên điên thế này thảo nào chẳng có ai thèm chơi.”
Nó nói nhỏ, nhưng cũng đủ để cho người đằng sau nghe thấy, thằng nhóc nghe vậy thấy tủi thân lại vừa xấu hổ, vì đúng là thằng nhóc không có bạn thật. Trong lớp ai cũng sợ, cũng nịnh thằng nhóc chứ chẳng có ai muốn chơi cùng.
“Mày mới không có bạn, ngày mai đi học đợi mà xem!” Bạn lớp trưởng cảnh cáo, rồi hùng hổ chạy lên phía trước, như muốn thi với nó ai sẽ về nhà nhanh hơn.
Con bé chẳng hiểu mô tê gì, nhưng nó cũng không muốn hiểu, nó không thèm hiểu.