Biến Chất - Chương 9
Con bé vừa về đến nhà đã nghe tin bà nội bị ngã. Nhưng lần này bà ngã không thể đứng dậy đi lại được nữa, nó lo lắng đến độ hoảng hốt trong lòng. Nó về nhà thăm bà nội vào ngay buổi chiều hôm ấy. Chạy vào vào giường bà, thấy các bác đều tụ họp ở đây không thiếu một ai. Điều này khiến con bé cảm thấy khó hiểu, con bé thầm hỏi, sao bình thường không có ai đến thăm bà, mà hôm nay mọi người ai nấy đều đến đông đủ như vậy?
Con bé chỉ đứng một bên nhìn thân thể bà gầy xọp, điều chứng minh bà còn sống chính là vẫn thấy lồng ngực bà phập phồng theo hơi thở. Đôi chân bà gầy trơ xương, bà nói bà không nằm thẳng chân được, nằm thẳng sẽ rất đau.
“Hạ ơi…” Con bé nghe thấy tiếng bà nhẹ như gió thoảng qua.
“Dạ.” Nó vội vàng quỳ xuống bên đầu giường, ghé tai thật gần để nghe rõ hơn.
“Cháu bà đây rồi…” Bà nói, rồi bà cười, “Têm cho bà… miếng trầu để bà nhai đi cháu…”
“Dạ…” Con bé vâng lời, liền lôi hộp đựng cau trầu đặt ở đuôi giường ra.
Các bác chỉ biết im lặng thở dài. Con bé nghe bác Hòa kể, bà nội sinh ra được chín người con, nhưng năm ấy trong thời loạn lạc nghèo khổ, lại chết mất năm đứa. Chỉ còn lại ba bác gái, và bố nó là con út. Có lẽ bố là con trai, nên được bà nội cưng chiều rất nhiều, các bác bảo với nó thế.
Ba bác gái thì chỉ có bác Hòa và bác Phượng là lấy chồng gần, còn bác thứ hai là bác Thu lấy chồng ở xa, nghe tin bà nội không gượng dậy được nữa nên bác Thu liền tức tốc bắt xe về nhà ngay trong đêm. Bác Thu chỉ thỉnh thoảng thì mới về, còn Hòa thì tới thường xuyên hơn, hầu như sáng nào cũng đi chợ để mua thức ăn về cho bà nấu. Còn bác Phượng chắc là bận công việc rất nhiều, nên không mấy thời gian về thăm nhà.
“Mẹ ơi, mẹ đừng lo, ngày mai là mẹ sẽ đi đứng được bình thường nhé…” Con rể của bà nội lên tiếng an ủi, con bé liếc mắt nhìn, đó là chồng của bác Thu.
“Mẹ ơi…” Bác Thu đôi mắt đã đỏ hoe, bác cố hắng giọng để không nghe thấy giọng mũi, “Con Thu này mẹ ơi, mẹ thấy con không?”
Bác Thu ghé sát vào tai bà thì thầm, chẳng hiểu sao hôm trước tai bà còn nghe được, nhưng hôm nay lại phải ghé sát tai mới nghe được như thế.
Bác Thu dùng hai bàn tay thô ráp ôm mặt bà nội, kính cẩn hôn lên trán bà, con bé thấy nước mắt bác càng lúc càng lăn dài.
Con bé không hiểu, tại sao các bác phải buồn đến vậy? Bà nội vẫn ở đó, chẳng phải bà vẫn còn ăn uống bình thường đó sao?
“Thôi chị Thu…” Bác Phượng vỗ nhẹ vai bác Thu, “Đừng có khóc như thế, mẹ biết đấy.”
“Con Thu phải không?” Bà nội he hé đôi mắt nhập nhèm, bà cười, “Về rồi đó à? Về rồi là tốt…”
“Dạ…” Bác Thu bật khóc, “Con về rồi… con về với mẹ đây rồi…”
Con bé ngước mắt nhìn các bác, đến bác Hòa và bác Phượng cũng đã đỏ hai con mắt, bác Lam thì đứng ngoài thềm hút thuốc, còn chồng bác Thu và bác Phượng đứng bên cạnh nhìn với gương mặt ngưng trọng.
Con bé chạy đến bên cạnh bà, thỏ thẻ gọi: “Bà ơi, dậy ăn trầu.”
Bà nội nghiêng nghiêng đầu nhìn nó, phải nhìn được một lúc mới nhận ra nó, bà cười cười há miệng: “Cháu ngoan, đút cho bà ăn miếng nào…”
Con bé vâng lời, nhón ngon tay cầm miếng trầu, cẩn thận đặt trong miệng bà.
Bà nhai vẻ mãn nguyện lắm, bà vừa nhai vừa cười.
“Ngon… trầu ngon…”
Con bé vẫn nhớ lời dặn ngày nào của bà nội, nếu lúc nào bà không còn nữa, cháu têm trầu cho ông nội nhé.
Con bé đứng xích qua một bên để các bác ở bên cạnh, nó là trẻ con, nó không biết chăm sóc bà nội, cũng chẳng biết làm gì để bớt thừa tay thừa chân. Nó chỉ đứng phía cuối giường nhìn bà như thế, nhìn mãi nhìn mãi.
“Phượng xuống lấy cháo cho mẹ đi.” Bác Hòa nhỏ giọng nói.
“Ừ ừ…” Bác Phượng gật gật đầu.
Nhìn thấy bác Phượng chạy xuống bếp, bác Hòa mới ngồi xuống bên mép giường, lặng yên nhìn bà nội. Hôm ấy, con bé không hề biết bác nghĩ gì.
“Anh Lam ơi, em thấy…” Chồng bác Phượng chau mày, “Mẹ không qua khỏi ngày mai đâu, chắc là…”
“Mày đừng có nói vớ vẩn…” Bác Lam chưa nghe hết câu đã ngắt lời, trừng mắt nhìn người trước mặt, “Mẹ đang sống sờ sờ, lại đi nói mấy cái lời này à!”
Chồng bác Phượng trông cũng đã ngoài ba lăm, một người cũng còn khá trẻ và rất giỏi trong lĩnh vực kinh doanh nên gia đình cũng khá no đủ. Nhưng không hiểu sao khi nhìn thấy người này bác Lam lại nhớ đến nhân vật “Lý Thông” trong câu chuyện “Thạch Sanh”.
“Anh đừng tức giận như thế…” Chồng bác Phượng giọng hòa hoãn, “Anh phải nghe em nói hết đã…”
“Đừng có nói nhiều!” Bác Lam gắt gỏng, nhưng vẫn cố gắng không để cho người trong nhà nghe thấy, “Mày ăn nói cho cẩn thận vào!”
“Không…” Chồng bác Phượng thở dài, “Em chỉ tính toán trước cho anh, nên đóng quan tài…”
“Con mẹ mày có câm đi không!” Lần này bác Lam đã thật sự tức giận.
“Chuyện chi đó? Sao lại cãi nhau?” Bác Hòa từ trong nhà vội chạy ra.
“Mẹ nó chứ! Em nghe đi, thằng cha này nói mẹ không qua nổi ngày mai…” Thấy vợ đia ra, bác Lam cũng phần nào kìm được lửa giận, nhưng giọng nói vẫn rất gay gắt.
“Không phải đâu…”
“Chú đang muốn nói cái gì đây?” Bác Hòa chau mày nhìn qua.
“Em là muốn nói như thế này, chị phải lắng nghe em…” Chồng bác Phượng vẫn nói bằng giọng hòa hoãn và bình tĩnh, hoàn toàn trái ngược với bác Lam.
“Không phải lắng nghe gì hết!” Bác Lam cắt ngang.
“Anh đừng có vội…” Bác Hòa nhắc nhở chồng, rồi quay qua nhìn người kia, “Chú nói lại chị nghe xem nào.”
“Chuyện là như vầy… cũng chẳng có gì to tát cả, chị thấy không, mẹ đã rất là yếu rồi.” Nói đến đây lại thở dài, “Mẹ đã ngã mấy lần, lần nào cũng tự ngồi dậy được và đi lại được bình thường, nhưng lần này, chị xem đó. Mẹ yếu quá rồi…”
“Cho nên?” Bác Hòa vẫn nhẹ nhàng hỏi, nhưng ánh mắt đã lạnh đi trông thấy.
“Em nghĩ mẹ không qua nổi đêm nay…”
Bác Hòa đột nhiên quát lên: “Chú nói thế mà nghe được hả?” Rồi hình như bác sợ mọi người nghe thấy, lại thấp giọng gằn từng chữ, “Chú là người trưởng thành, ăn nói nên để ý một chút.”
Bác Lam đang cắn điếu thuốc cũng giật mình.
“Một người đang sống sờ sờ như thế. Một người chính là mẹ của vợ chú như thế, mà chú có thể nói ra những lời độc địa vậy hả?” Bác Hòa lạnh lùng nhìn người đó.
“Chị, em chỉ…”
“Thôi chú về đi. Về ngay đi…” Bác Hòa cố gắng hạ giọng thật thấp để bà nội trong phòng không nghe thấy.
Chuyện sau đó thì cũng dễ hiểu, hai vợ chồng bác đành Phương ra về trong xấu hổ, không khí gượng gạo đi hẳn.
Con bé nãy giờ vẫn không để ý chuyện của người lớn cãi nhau ngoài kia, có cứ chăm chăm nhìn bà nội không hề rời mắt. Nó nhìn bác Thu cẩn thận từng li từng tí thổi cháo nguội bón cho bà ăn, bón từng thìa nước cho bà uống. Con bé đến bây giờ vẫn không thể tin bà đã yếu đến mức như vậy, tay bà giơ lên rồi lại đặt xuống, bà còn không cầm nổi cả một cái chén.
Bà nội ăn vài thìa thì lại không chịu ăn nữa, bác Thu đành phải dỗ dành: “Mẹ ơi, mẹ ăn hết thìa này thôi nữa nhé, hết thìa này thôi là hết bát này, là mẹ khỏe lại ngay này…”
Con bé thấy bác Thu giống hệt bà nội lúc trước. Con bé hồi xưa rất biếng ăn, bà nội cũng bón cho nó ăn như vậy, đến khi nó lắc đầu không ăn nữa bà cứ nói “thìa này nữa thôi”, nhưng đến năm lần “thìa này nữa thôi” lận.
Hôm đó con bé được ngủ lại với bà nội, nhưng vẫn là không được ngủ cùng giường với bà, nó đòi nhưng các bác nói, đêm ngủ nó sẽ gác chân lung tung lên người bà mất. Còn bác Thu thì ngủ ngay bên cạnh chỗ của bà để tiện cho chăm sóc, lỡ nửa đêm có xảy ra chuyện gì thì bác còn biết.
Vào năm giờ sáng hôm sau, bà nội nhắm mắt vĩnh viễn không bao giờ tỉnh lại nữa.
Con bé không hiểu, nó cứ tưởng bà nội ngủ quên. Nó lay lay bà dậy nhưng bác Thu ở bên cạnh cứ gào khóc không yên.
“Trời ơi là trời ơi… mẹ ơi sao không cho con được chăm sóc mẹ thêm ngày nào trời ơi…” Bác Thu gào khóc đến thảm thương.
Con bé nhìn bác Hòa và bác Phượng, hai bác cũng đã khóc đến đôi mắt sưng húp.
Bà không tỉnh lại nữa hả?
Bà ngủ luôn như vậy sao? Con bé hỏi thầm.
Nó ngồi phía cuối giường nhìn chằm chằm vào bà nội. Lồng ngực bà không còn phập phồng như lúc đang còn thở nữa. Bà nội ra đi mà không dặn dò nó một lời nào. Giống như lúc ba nó đi xa, giống như lúc anh nó đi cùng anh Hiếu…
Mọi người đều không hề nói với nó một lời nào đã vội vã ra đi. Cuộc chia li đến cùng lại diễn ra bất ngờ và nhanh như vậy sao? Còn không kịp cho chúng ta nói lời tạm biệt, không kịp cho chúng tay vẫy tay chào nhau một cái.
“Ừ, đi nhé…”
Cũng chẳng ai nói trước cho con bé điều gì. Con bé không hề rơi một giọt nước mắt nào, nó chỉ nhìn chằm chằm vào bà, nó nhìn đôi mắt nhắm nghiền ấy, mong muốn sẽ thấy được đôi mắt kia mở ra một lần nữa. Chưa bao giờ nó mong mỏi điều gì đến vậy, nó mong chờ bà nội ngồi dậy và vẫy tay gọi nó lại, xoa xoa đầu nó và âu yếm hôn lên má nó.
Con bé chờ mãi, nhìn mãi không chớp mắt, nhưng bà nội vẫn không chịu dậy một lần nào nữa. Nó bàng hoàng nhận ra, có lẽ… đây gọi là “cái chết”.
Từng trang kí ức giống hệt như thước phim lướt nhanh qua đầu nó. Nó nhìn thấy một đứa bé còi cọt chạy lẽo đẽo sau lưng bà nội đòi kẹo, nó nhìn thấy đôi tay khỏe mạnh của bà nhấc bổng nó lên, siết nó vào lòng ôm hôn. Nó nhìn thấy một bé con nép mình sau lưng bà nội mỗi khi trên trời vang lên tiếng sấm sét ghê rợn. Nó nhìn thấy những lần bà nội cầm gậy rượt nó vì tội hỗn láo…
Con bé chẳng nghe thấy gì, cũng không nghe thấy nhìn, trong mắt nó chỉ còn thân xác bà nội đã lạnh từ lâu. Nó mặc kệ tiếng người qua lại, nó mặc kệ tiếng gào khóc, nó mặc kệ tất cả những âm thanh xa lạ kia…
Thì ra biệt li là vậy, đời người biết có mấy lần những cuộc chia ly không báo trước? Chẳng ai biết, và cũng chẳng một ai muốn. Họ đến với bạn, thương yêu bạn, và bạn xem đó như là một điều hiển nhiên, một lẽ thường. Và bạn nghĩ rằng người đó sẽ vĩnh viễn sống cùng bạn đến hết cuộc đời. Nhưng cuộc vui nào cũng phải có lúc tàn, tiệc tàn thì người tan, còn chẳng cho được những cái vẫy tay chào nhau thân ái…
Sẽ có ai bên nhau đến cuối đời? Sẽ có ai yêu thương nhau đến khi mái đầu bạc trắng?
Con bé nhìn sang ông nội. Con bé cũng chợt nhận ra, lưng ông đã còng rất nhiều, và tai ông cũng bị điếc rất nặng. Ông nội mặc chiếc áo cũ kĩ màu xanh rêu, chiếc quần bằng vải thô đã ngả màu. Con bé không nhớ ông đã đến bên cạnh bà và nói những gì, con bé chỉ nhớ, có lẽ ngoài nó ra cũng chẳng một ai thấy một giọt nước mắt lăn xuống từ khóe mắt của ông.
Con bé cũng không nhớ người ta đưa bà nội đi như thế nào. Bà đi đâu con bé đi theo đó. Ra đến nghĩa trang, quần áo đều dính đầy cỏ may nhưng con bé vẫn không để ý, nó yên lặng đi theo, mắt chỉ nhìn chằm chằm vào chiếc quan tài màu tối.
Nó không nhớ người ta đã chôn cất bà nội như thế nào, cũng không nhớ nó về nhà bằng cách gì. Nó cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, giống hệt như lúc ba đi nước ngoài. Nhưng lần này làm nó khổ hơn, nó thổn thức hơn rất nhiều.
Tiếng trống kèn vang lên bên tai cả ngày lẫn đêm, nhưng con bé vẫn ngủ được. Nó ngủ suốt, nó chỉ biết ăn rồi ngủ.
Các bác trách nó vô tâm, trách nó rằng bà nội là người thương mày nhất mà tại sao mày không khóc, tại sao mày vẫn ăn no ngủ nghỉ được. Con bé không trả lời, nó cũng không quan tâm đến những lời như vậy. Nó cứ thế ngơ ngẩn nhìn ảnh thờ bà nội mỗi đêm rồi ngủ, nó mong sẽ mơ thấy bà.
Con bé nhìn ảnh bà nội búi tóc củ kiệu, mặc chiếc áo dài màu vàng và đeo vòng cườm, sao trông bà cười như vậy lại đẹp thế.
Đêm hôm đó ba nó gọi điện về, bác Hòa nói, có muốn gặp ba không. Nó không trả lời, cũng chẳng lắc đầu hay gật đầu, nhưng bác Hòa đã đưa điện thoại kề sát tai nó.
“Ba ơi…” Con bé mấp máy môi, đây là lần đầu tiên trong hai năm xa cách con bé gọi ba như vậy.
Ba nó đáp một tiếng, rồi không nói gì nữa, con bé đưa máy cho bác Hòa. Con bé nghe thấy ba đang khóc trong điện thoại. Bác Hòa hơi ngạc nhiên nhìn nó, nhưng rồi cũng nhận lấy điện thoại và không nói gì.
Bà đi như một tiếng sét ngang tai, không ai hẹn trước, cũng chẳng ai để lại lời từ biệt.
“Là dáng ai vội vã đi nhanh thế?
Ai như gió xuân, đến đi và chợt tắt.
Tiếng thở dài vấn vương rồi ngưng bặt
Chiếc cúc chưa khâu và nếp áo vẫn nhăn.
Ai đi để lại người tóc bạc đầy đầu
Còng lưng chờ dáng têm trầu như xưa?
Ai đi để lại người con nơi xa xứ
Đứa cháu thơ ngây mỏi mắt ngóng dại khờ…”
Ngày 16/6/2008, bà Phan Thị Lan, hưởng thọ tuổi tám mươi.