Biến Chất - Chương 23
Bữa ăn trưa nay hiếm khi đông đủ bốn người, chị tôi về sớm và phải lo chuyện cơm nước phụ mẹ, còn tôi thì ngồi nằm giữa sàn nhà để cảm nhận sự mát mẻ truyền đến. Ba và tôi ở trần nằm bật quạt chờ mẹ và chị dọn cơm ăn.
Lúc chị bưng mâm cơm lên không cẩn thận vướng phải dây quạt khiến quạt ngừng chạy. Ba tôi lên tiếng: “Đi đứng kiểu gì thế, cái mâm mà đổ là no đòn đấy!”
Chị đáp: “Cái dây diện không chịu cuộn lại thế này thì ai đi chả vấp, con bưng mâm làm sao thấy gì dưới chân?”
Nói rồi chị đặt mâm xuống và quay lại tra dây vào ổ điện. Bỗng nhiên chị giật bắn mình, rụt tay lại hệt như bị điện giật. Chị kêu lên: “Điện bị hở, khiếp!”
“Bị giật à?” Ba tôi đi tới xem xét.
“Ba sửa đi, sợ chết được!”
“Đáng đời!” Tôi cười.
“Ơ hay cái thằng này, mày lại chán sống à?” Chị vừa cúi người sắp xếp bát đĩa nói, tôi thấy ngón tay chị vẫn còn hơi run.
“Mày ăn nói thế hả?” Mẹ tôi đi từ dưới bếp lên, tôi thấy mồ hôi trên trán mẹ chảy ròng ròng.
“Bớt nói đi!” Ba tôi nói, “Trưa rồi còn cãi nhau!”
Tôi có cảm giác hình như hôm nay ba không say.
Tôi cười hì hì ngồi xuống mâm cơm, hiếm khi có bữa trưa nào đông đủ bốn người thế này thật sự tôi cảm thấy rất yên bình và thân thương đến lạ. Như thế thì có lẽ chị cũng vui lắm, bình thường chị học năm tiết nên về rất muộn. Mà ba thì chẳng khi nào chờ đợi ai, ba nói về muộn thì ăn sau và dọn rửa thôi.
Vì thế nên lắm khi chị phải người cuối cùng ăn cơm và dọn dẹp bãi chiến trường. “Bãi chiến trường” cũng không hẳn là nói ngoa, vì có lúc tôi không ngủ trưa được, tôi phải ngồi một bên để canh con chó con mèo nhà hàng xóm qua ăn vụng. Mà thấy chị ăn một mình cũng tội lắm, nhưng tôi không dám phản bác với ba mẹ. Bởi tôi chỉ là một đứa trẻ, mà người lớn có bao giờ tiếp nhận những lời nói của trẻ con đâu chứ!
Từ đó về sau tôi cũng không thích ngủ trưa, mỗi lần ba mắng tôi sẽ lấy cái lí do là ngồi canh mâm cho chị. Nhưng ngồi hoài cũng chán, tôi sẽ chạy đi chơi với thằng Lợi khi nghe thấy tiếng phanh xe của chị ở trước sân.
Những thói quen của mọi người trong gia đình tôi cũng cứ thế không thay đổi và kéo dài cho đến hai năm sau. Chị tôi học lớp tám, cái tuổi mà con gái đã biết ngượng ngùng trước những lời hoa mỹ và biết che mặt làm duyên. Ấy thế mà chị tôi vẫn chẳng duyên lên miếng nào. Chị giống như một người con trai chất chơi, chị không để ý đến cách ăn mặc thời thượng của đám con gái xung quanh và có lẽ chị tôi đã bị ba rèn luôn cả sở thích. Chị chẳng còn thích mặc váy như xưa nữa, nhưng chị cũng không muốn mặc đồ con trai, chỉ duy cách đi đứng và nói chuyện giống hệt ba.
Chị luôn nhìn theo và vô tình thu những cử chỉ, lời nói cửa ba vào tầm mắt và mặc niệm chúng trong tâm trí. Tôi biết chị thương ba, nhưng tôi không nghĩ chị “cuồng” ba đến mức học theo luôn cả cách nói chuyện và nói lời sỗ sàng. Chị ăn nói cọc cằn và chẳng bao giờ dịu dàng được với ai, mọi người luôn than trách chị là một đứa bê đê.
Chị không thích mặc đồ con trai nhưng ba cứ mua cho chị những bộ quần áo mà tôi phát thèm. Mà Tết năm ấy cũng là lần đầu tiên ba mua cho chị bộ quần áo mới, tôi những tưởng ba sẽ mua những chiếc áo xinh xắn và váy hoa. Chẳng ngờ ba lại luôn đặt suy nghĩ của mình lên chị như thế. Tôi là một đứa con trai hay quan sát và thường suy nghĩ sâu xa, thế nên tôi nhìn ra được thay đổi của chị tôi là quá lớn. Ngày ấy tôi cũng tò mò về con gái, nói một cách thực tế thì tôi tò mò về chính chị.
Bác Phượng là một y sĩ nên có rất nhiều sách vở về ngành y học. Có những hôm tôi được ba chở đến nhà bác chơi, tôi thường xin mượn những cuốn nói về cơ thể và những cuốn bàn luận về tâm lý con người. Đột nhiên tôi thấy những thứ đó rất hợp với tôi. Đọc vị người khác là một điều rất thú vị. Đọc cả tâm hồn và tâm lý của người chị mà tôi vẫn không bao giờ hiểu nổi chính là một sự thúc đẩy khiến tôi quyết tâm tìm hiểu.
Bác Phương thấy thế cũng khen tôi nhiều lắm, bảo rằng nếu tôi cố gắng học giỏi thì chắc chắn sẽ trở thành một bác sĩ giỏi.
Có lần tôi tìm thấy cuốn sách có tấm bìa rất lạ và cái tên cũng nổi bật: cẩm nang con gái. Bên cạnh đó cũng có “cẩm nang con trai”. Tôi không đọc “cẩm nang con gái” ngay mà đọc “cẩm nang con trai” trước. Thật sự cuốn sách đó là một trang bị rất hữu dụng cho những đứa con trai đang tuổi lớn như tôi. Tôi cũng đã bước vào cấp hai và dường như ba mẹ cũng không nhận ra cơ thể chúng tôi thay đổi theo từng ngày. Vì thế đọc được cuốn sách ấy là một sự may mắn đối với tôi.
Tôi mượn bác cuốn “cẩm nang con trai” về nhà đọc và cố gắng đọc xong nó trong một tuần. Tôi nghĩ tôi không nên cho chị đọc nó. Tôi hơi cảm ngấy quan ngại khi chị hiểu được cơ thể của một người con trai phát triển như thế nào sẽ có suy nghĩ gì về tôi.
Một ngày chủ nhật đẹp trời là ngày cực kì thích hợp cho những ai có ý định đi cắt tóc. Nhưng có vẻ chị tôi thì không thấy thế. Hôm ấy chị gào khóc xin ba đừng cắt tóc của chị. Tôi nhìn mái tóc đen nhánh dài chấm eo của chị mà thở dài. Tóc chị rất đẹp, chị giống hệt như bức hình mẹ chị mà năm xưa tôi lỡ tay phá hỏng.
Thì ra chị vẫn nhận ra chị là một đứa con gái.
“Cắt cho mát, con gái ở tuổi này thì đẹp với ai?” Ba nói.
“Ừ đấy, suốt ngày chải với chuốt, làm đẹp để có người yêu à?” Mẹ tôi nói thêm vào.
Chị tôi gào trong nước mắt: “Nhưng con là con gái, con không muốn cắt tóc! Ba đi mà cắt tóc cho thằng Tuấn ấy!”
“Thằng Tuấn tí nữa cắt sau! Lại đây!” Ba cầm cây kéo trong tay nói, “Ngồi xuống!”
Tôi thầm hỏi tại sao chị không bỏ chạy? Tại sao chị không phản kháng mà luôn luôn phục tùng những mệnh lệnh vô lí của ba? Chị không bao giờ dám nói ra ý nghĩ của bản thân, tôi biết, vì có nói ra cũng chẳng ai thèm nghe.
Và sau ba mươi phút xử lí, tôi thật sự đau lòng thay chị. Còn đâu mái tóc xinh đẹp ấy nữa, tôi tiếc nuối vô cùng. Đêm nằm ngủ với chị, tôi thường nghịch tóc chị và chị cũng lấy làm tự hào lắm. Nếu tôi đứng ở vị trí của ba, tôi chắc rằng tôi sẽ nâng niu mái tóc của chị như đặt trên tay một dải hoa. Tóc chị lúc nào cũng thơm và sạch sẽ, tôi lấy làm thú vui khi có những buổi tối học cùng nhau, tôi tập tành tết tóc cho chị.
Tôi cũng không hiểu vì sao tôi muốn học tết tóc, nhưng tóc chị đẹp quá, tôi không nỡ thấy mái tóc kia bị cắt bỏ hoặc bị rối.
Tóc chị ngắn cũn, tôi có thể áng chừng được sợi tóc dài nhất của chị chỉ vỏn vẹn trong năm xăng – ti – mét. Chị tôi đã ngừng khóc và đôi mắt chị buồn rười rượi. Chị ngồi ngẩn người, mặc kệ cho ba có tỉa đi tỉa lại. Ba tôi cũng lạ, tại sao không đưa chị ra tiệm để cắt cơ chứ? Chẳng hiểu sao ba cắt tóc chỗ ngắn chỗ dài như vậy mà trước kia đi đâu chị tôi cũng khoe ba tôi là thợ cắt tóc. Chị luôn khoe ba chị là người giỏi nhất cho bạn bè, lần ấy chị dẫn bạn chị về nhà trong lúc ba mẹ đi vắng, tôi đã vô tình nghe được. Trong lúc kể về ba của chị, tôi thấy ánh mắt chị sáng lấp lánh và môi mỉm cười ngọt lịm.
Tôi tự hỏi liệu sau lần này, chị còn “cuồng” ba như thế nữa không. Và vẫn luôn thầm nghĩ vì sao chị luôn kể chuyện vui chứ chẳng bao giờ hé môi kể chuyện buồn cho người ta nghe. Phải chăng chị đã quên những chuyện vô lí đến quá quắt mà ba đã làm với chị? Tôi không phải là con ruột của ba nên thường tôi sẽ đứng ở vị trí người ngoài để nhìn cách đối nhân xử thế.
Tôi chứng kiến nhiều đến mức chán nản và lắm khi tôi muốn vùng lên thay chị. Nhưng mỗi lần như thế ý định của tôi lại bị chặn lại bởi khoảng cách “trẻ con” và “người lớn”. Người lớn có nhiều trải nghiệm và lẽ sống của bản thân, họ độc lập và trưởng thành. Còn “trẻ con” chúng tôi là những đứa nông cạn, và không bao giờ có tư cách phản bác lại lời nói của “người lớn”.
Tóc chị không đủ dài để che lấp tai nữa, hai bên thái dương của chị đã được ba sửa đi sửa lại khiến nó ngắn đến mức không thể sửa thêm được. Chị chỉ biết nín nhịn không khóc mà ngỏ lời cầu xin ba chở ra tiệm tóc. Ba cũng đồng ý chở chị đi, thế nhưng đến tận chiều lúc chị trở về, chị đứng trong nhà tắm khóc cả buổi không chịu ra ngoài. Chị còn không dám ngẩng mặt lên nhìn tôi, mỗi lần tôi hé miệng định nói gì chị lại cứ lảng tránh như thể sợ tôi buông lời cay đắng.
Bây giờ nhìn chị không giống con gái, cũng chẳng giống con trai.
Có lẽ từ lúc chị “xuống tóc”, một phần nào nó trong con người chị đã thay đổi. Chị ít khi ra ngoài hơn và mỗi lần từ trường trở về nhà, gương mặt chị trầm xuống như thể lúc nào chị cũng mang những nỗi niềm không thể kể. Chị chẳng kể cho ai, tôi nhịn không nổi truy hỏi chị mấy lần nhưng chị cứ tránh né không chịu đề cập dến.
Tôi biết chị buồn, chị tủi thân, tôi cũng phần nào hiểu được.
“Trời ơi, tóc cháu làm sao thế này?” Ông nội đưa đôi tay nhăn nheo sờ sờ đầu chị, ông hỏi bằng giọng thương tiếc.
“Ba cháu cắt tóc của cháu rồi!” Chị tôi buồn buồn, ghé vào tai ông nói.
Chẳng biết ông có nghe rõ hay không, ông nội thở dài và nói: “Đời người con gái quý nhất là mái tóc, tóc cháu bây giờ như bị chó khới thế này thì còn gì là con gái nữa?!”
Chị tôi bật khóc và không thể đáp lại nữa.
Còn đoạn tóc dài của chị, mẹ đã đem bán và được số tiền là năm trăm ngàn.
Chị luôn luẩn quẩn ở ngôi nhà đầy bức bối này và bạn bè có đến rủ chị đi chơi cũng chẳng bao giờ thèm đi. Có lẽ chị đã quen với sự cô đơn và bây giờ, chị không còn giữ tôi ở nhà cùng chị nữa. Tôi cũng mặc kệ không quan tâm chị, chị rất bướng. Tôi bỗng bàng hoàng nhận ra, đã bao lâu rồi chị không còn mắng chửi thậm tệ tôi như trước? Đã bao lâu rồi chị không còn muốn đánh bài và ngồi cạnh tôi để kể chuyện ngày xưa?
Chị ít nói hẳn đi và dường như trong gia đình này, chị tự động đưa bản thân bước ra ngoài lề những khuôn khổ. Ai hỏi thì chị trả lời, ai bắt chuyện thì chị nói, thời gian còn lại chị sẽ lẩn tránh ánh mắt của tất cả mọi người, bao gồm cả tôi và chị thích lui vào một góc tối. Chị có thể ngồi với ông nội hàng giờ mà không nói bất cứ lời nào, chị bảo chị thích yên tĩnh. Chị từ chối những lời mời và chẳng bao giờ để tâm tôi có hỗn láo với chị hay không.
Chị đã thay đổi rồi. Nhưng có vẻ như ba mẹ không một ai nhận ra. Hẳn là điều hiển nhiên, vì ba mẹ là người lớn, họ mải mê chen chúc trong guồng quay của cuộc sống, họ mải mê kiếm những đồng tiền để nuôi gia đình và bản thân. Thậm chí có lẽ họ không nhận ra đến cả cơ thể của chúng tôi cũng thay đổi theo từng ngày.
Có một lần tôi đi chơi cùng đám bạn ở quán internet và về nhà lúc năm giờ chiều. Trời đã chập choạng, thời gian ấy vào khoảng tháng mười nên trời rất nhanh tối.
Lúc đi ngang qua nhà chị Trang, chị ấy gọi tôi lại và hỏi nhỏ: “Tuấn, mẹ của Tuấn không thương chị Hạ à?”
Tôi ngạc nhiên: “Sao chị lại hỏi thế?”
“Vậy tại sao tóc chị Hạ lại bị cắt cụt hả? Con gái học lớp tám, người ta có người yê cả rồi, mẹ Tuấn không nghĩ cho con gái của mình à?”
“Dạ… thì…” Tôi ấp úng không biết nói sao.
“Nói cho nghe, về nhà Tuấn nhìn chị Hạ mà xem, chị Hạ có kể ở trên trường, là chị của Tuấn bị kì thị và bắt nạt không?”
“Không!” Tôi kinh ngạc nói.
“Lần ấy chị thấy chị của Tuấn đi ngang qua lớp chị mà mặt cúi gằm, đầu đội mũ len. Bọn con trai lớp chị biết Hạ cắt tóc nên giật mũ của Hạ, trêu chọc ghê lắm. Chị của Tuấn khóc thấy tội, trông thương mà không thể giúp gì được! Chị Hạ của Tuấn bị cô lập rồi!”
“Bị cô lập là sao chị?”
Chị Trang thở dài: “Tuấn khối sáu nên chưa chắc đã biết, chứ khối tám và khối chín đồn ầm chị Hạ là bê đê đấy!”
Đột nhiên một ngọn lửa bùng lên trong lòng tôi, tôi cố gắng không thể hiện sự kích động trước mặt chị Trang, tôi bình tĩnh nói: “Dạ, để về em hỏi chị Hạ. Cảm ơn chị!”
“Ừ, tội ghê! Đúng là mẹ ghẻ với con chồng, không quan tâm gì nhau cả.” Không biết có phải chị ấy đang cố tình nói móc hay không nhưng có vẻ chị Trang cũng lờ mờ nhận ra quan hệ của chị tôi trong gia đình không được hòa thuận.
Tôi vừa thả cặp xuống thì chạy ngay vào nhà.
Chị tôi ngồi bên cửa sổ, đèn đóm cũng không bật lên. Chị ngồi đần người, nhìn chằm chằm mấy ngọn cỏ mọc cao hơn cả song cửa. Chị mặc bồ đồ cộc màu trắng, da chị cũng trắng tinh, trắng đến mức tôi có cảm giác như chị trong suốt đi. Trên tay chị cầm con dao rọc giấy mà mấy năm trước ba đưa từ nước ngoài về, chị cầm nó cứa vào cổ tay và cúi đầu nhìn máu chảy ròng ròng.
Tôi phóng ngay vào như tên bắn, tôi giật lấy con dao trong tay chị và quẳng đi, tôi không kìm được mà to tiếng: “Chị bị điên à?! Chị đang làm cái gì đây?!”
Chị ngơ ngác nhìn tôi không nói gì. Phải mất một hồi tôi mới nhận ra ánh mắt chị đờ dẫn như người ngốc, vài giây sau chị mới tỉnh táo trở lại. Tôi đột nhiên nghĩ đến một câu trong sách của bác Phương: “Khi trầm cảm, mỗi lần người ta nghĩ đến cái chết đều cảm thấy choáng váng và mất đi sự tỉnh táo thường ngày.”
Chị giật tay lại, không thèm nhìn tôi và nói: “Không biết gì đừng có lớn tiếng như thằng điên thế chứ.”
“Chị đang làm cái gì?” Tôi không quan tâm lời chị vừa nói, tôi truy hỏi đến cùng, “Chị muốn chết à?”
Chị im lặng một hồi, tôi có cảm giác cổ họng chị hơi khàn: “Chết thì có làm sao đâu, cũng chả thể chết một cách bình yên được.”